icon icon icon
 

Doanh nghiệp than lãi vay cao, nguy cơ 'bán mình'

2023-02-25 08:35:17

Các doanh nghiệp ở TP HCM cho rằng lãi vay quá cao, hết khả năng cầm cự, có đơn vị tính chuyện "bán mình" để trả nợ.

Nội dung này được các doanh nghiệp phản ánh tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe của UBND TP HCM với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn sáng 17/2.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP HCM cho biết có chủ doanh nghiệp đã phải bán nhà để có tiền trả nợ công ty, nhằm tránh nợ xấu. Ngoài ra, còn có doanh nghiệp đang đàm phán với doanh nghiệp FDI để "bán mình", tránh nguy cơ vỡ nợ". Theo ông, các doanh nghiệp hội viên cho biết tiếp cận vốn đang rất khó khăn vì lãi suất quá cao.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, đầu năm 2023 đến nay, hầu hết doanh nghiệp ngành chế biến lương thực - thực phẩm duy trì tốt sản xuất, người lao động hoạt động hết công suất. Một số công ty phải đến tháng 4 mới trả hết đơn hàng cũ và đang cân nhắc nhận đơn hàng lớn mới.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận đang "cực kỳ thấp" do lãi vay quá cao, chi phí đầu vào, điện - nước đều tăng. "Với lãi suất cho vay trên 10% một năm như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động cũng đã rất áp lực, chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi", bà Chi nói.

Theo bà, một vài doanh nghiệp lớn có thương hiệu hàng chục năm trong ngành gần đây đã phải chuyển nhượng, hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài. "Điều này rất đáng báo động và ưu tư. Không ai muốn 'bán mình' cho đơn vị khác. Chúng tôi cần chính sách được hỗ trợ về lãi suất để yên tâm làm ăn", bà đề xuất.

 
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM phát biểu tại Hội nghị sáng 17/2. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM phát biểu tại Hội nghị sáng 17/2. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TP HCM cho hay có 23% doanh nghiệp thành viên hiện sản xuất tương đối ổn định, còn 46% gặp nhiều khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp thiếu dòng tiền là vấn đề phổ biến trong khi doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo trả nợ vay, duy trì các khoản chi phí. Năm nay, các ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản doanh nghiệp giảm 50-60%, kéo theo hạn mức vay cũng bị giảm.

Ngoài lãi suất cao, theo ông Việt, các ngân hàng thương mại hiện đưa ra phương án hỗ trợ doanh nghiệp chưa thiết thực, các điều kiện cho vay quá chặt, trong khi đó, lợi nhuận trên đơn hàng sụt giảm, tiền đồng giảm giá nên xuất khẩu gặp bất lợi.

Cũng tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM đánh giá các doanh nghiệp đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện, vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.

"Lãi suất vay cao trên 10% là cản trở lớn đến hoạt động của doanh nghiệp", ông Hòa nói. Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM kiến nghị Thành phố xem xét triển khai lại chương trình cho vay kích cầu đầu tư, đã từng thực hiện suốt 20 năm trước đây nhằm tạo điều kiện nâng cao khả năng đầu tư của doanh nghiệp.

Đồng ý với đề xuất này nhưng ông Đỗ Phước Tống lưu ý cân nhắc lại các quy định vì nếu yêu cầu tham gia khắt khe như trước cũng khó với doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cơ khí Đại Dũng, Trịnh Tiến Dũng cho hay từng tham gia vay kích cầu nhưng không thành công vì thời gian chờ đợi quá lâu. "Hồ sơ cho vay rất nghiêm ngặt, chờ duyệt cả năm thì không chờ nổi. Nếu triển khai lại dự án, quy định hồ sơ duyệt chỉ cần đủ điều kiện pháp lý, đừng ràng buộc quá nhiều", ông Dũng góp ý.

Tiếp thu đề xuất, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng chương trình cho vay kích cầu đầu tư nếu triển khai lại, cần có đề xuất, cơ chế mới để hiệu quả hơn trong bối cảnh mới.

Sở Công Thương cho hay vào ngày 28/2 sẽ tổ chức buổi kết nối ngân hàng và doanh nghiệp đầu tiên năm nay.

Ở cấp độ trung ương, để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM đề xuất Ngân hàng Nhà nước huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh, nhằm hạ lãi suất vay. Thậm chí, việc khống chế tỷ lệ "biên độ lãi ròng" (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay.

Hiệp hội này cũng kỳ vọng nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021.

Chia sẻ áp lực tìm kiếm nguồn vốn của doanh nghiệp, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết vài ngày nữa Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho các đơn vị nên 6 tháng đầu năm không có vấn đề về room tín dụng.

"Còn điều kiện cho vay thắt chặt là thẩm quyền ngân hàng thương mại. Nhưng nếu có khó khăn tiếp cận thì mong nhận được phản hồi cụ thể của doanh nghiệp để tháo gỡ", ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, đối với 5 ngành lĩnh vực ưu tiên, lãi suất vẫn chấp nhận được, theo ưu tiên trần ngắn hạn chỉ 5,5%. Trong khi đó, các đề xuất ban hành thông tư liên quan việc cơ cấu lại nợ đã được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận và xem xét hướng xử lý.

Ngoài ra, để có nguồn lực, các doanh nghiệp cũng đề xuất TP HCM và Trung ương cân nhắc các giải pháp giảm, giãn thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM kiến nghị tiếp tục áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 8% cho tất cả ngành kinh tế năm nay; Hiệp hội Logistics TP HCM mong giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% phí sử dụng hạ tầng đường bộ; Hội Dệt may – Thêu đan TP HCM kỳ vọng có chính sách hoãn và giảm thuế hết năm nay.

Cục thuế TP HCM cho hay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp về việc gia hạn thời gian nộp thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp. Đầu quý II chính sách này sẽ được trình Chính phủ. Các đề xuất khác sẽ được Cục ghi nhận để trình Bộ Tài chính.

 
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn sáng 17/2. Ảnh: Viễn Thông

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn sáng 17/2. Ảnh: Viễn Thông

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết các đề xuất phát sinh mới của doanh nghiệp về miễn, giảm, hoãn thuế sẽ được ghi nhận và nghiên cứu hướng giải quyết trong phạm vi thẩm quyền của Thành phố. Vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương thì tiếp thu và sẽ đề xuất lên trên.

"Thành phố sẽ tiếp tục cải cách hành chính; chuyển đổi số; công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền", ông nói thêm.

Ngoài ra, theo ông, TP HCM đang đề xuất Trung ương có một Nghị quyết tạo cơ chế thí điểm cho những vấn đề chưa có quy định cụ thể theo hướng sáng tạo, đổi mới nhưng cũng bảo vệ được rủi ro. Nếu thành công sẽ góp phần giúp Thành phố năng động lại như xưa.

Viễn Thông
Theo VNEXPRESS